Chúng ta vẫn thường nghe có hai loại máy giặt là máy giặt truyền động gián tiếp (hay còn gọi là máy giặt dây curoa) và máy giặt truyền động trực tiếp (hay máy giặt lồng trục). Vậy máy giặt truyền động trực tiếp và máy giặt truyền động gián tiếp khác nhau như thế nào, loại nào thì tốt hơn?
1 Máy giặt truyền động gián tiếp (dây curoa) là gì?
Là loại máy giặt ra đời đầu tiên, chuyển động quay của lồng giặt được thực hiện thông qua dây curoa nối giữa động cơ (motor) của máy giặt và lồng giặt, giống như cách chúng ta truyền động từ bàn đạp đến bánh sau của xe đạp.
Khi động cơ của máy giặt được khởi động, dây curoa sẽ truyền lực quay từ động cơ lên lồng giặt qua bánh đà (ròng rọc) được gắn bên dưới hoặc phía sau lồng giặt, giúp xoay lồng giặt.
Cơ chế truyền động gián tiếp qua dây curoa
Ưu điểm
- Máy giặt truyền động gián tiếp thường có giá thành rẻ hơn so với máy giặt truyền động trực tiếp.
- Ngoài ra, do đã có trên thị trường từ lâu nên có thể dễ dàng tìm kiếm linh kiện thay thế sửa chữa với chi phí cũng rẻ hơn.
Máy giặt truyền động gián tiếp dễ dàng tìm kiếm linh kiện thay thế
Nhược điểm
- Thường hoạt động kém trơn tru do phải truyền động qua dây curoa và bánh đà (ròng rọc).
- Sau một thời gian sử dụng, dây curoa và bánh đà thường bị giãn, dão ra làm giảm khả năng truyền động, gây ra tiếng ồn và rung lắc khó chịu, tạo ra lực ma sát nhiều hơn nên cũng làm hao tổn nhiều điện năng hơn.
Máy giặt truyền động gián tiếp thường gây tiếng ồn và rung lắc nhiều
Có nhiều thiết bị hoạt động nên nguy cơ hỏng hóc, hao mòn động cơ cũng cao hơn, chẳng hạn như dây curoa sẽ dão, chổi than bị mòn,… làm phát sinh nhiều chi phí sửa chữa, không đảm bảo về mặt kinh tế cho người sử dụng.
2 Máy giặt truyền động trực tiếp là gì?
Khác với máy giặt truyền động gián tiếp, máy giặt truyền động trực tiếp (hay còn được gọi là máy giặt lồng trục) là loại máy giặt ra đời sau với thiết kế mới, loại bỏ cơ chế truyền động thông qua dây curoa với động cơ được gắn trực tiếp vào lồng giặt nên khi động cơ quay thì lồng giặt cũng quay theo.
Động cơ gắn trực tiếp với lồng giặt
Ưu điểm
- Tiết kiệm điện năng: Do truyền động trực tiếp từ động cơ đến lồng giặt nên không bị hao tổn điện năng như khi sử dụng dây curoa đồng thời tiêu tốn ít điện năng hơn.
- Hạn chế tiếng ồn: Máy giặt truyền động trực tiếp có cấu tạo đồng nhất từ động cơ cho đến lồng giặt và ít linh kiện hơn đồng nghĩa loại bỏ tiếng ồn từ nhiều linh kiện khác nhau, do đó cũng giúp giảm tiếng ồn đáng kể. Đặc biệt là hạn chế rung lắc rất nhiều so với các máy giặt truyền động gián tiếp.
- Độ bền cao hơn: Máy giặt truyền động trực tiếp sử dụng ít thiết bị để tạo chuyển động cho lồng giặt hơn nên cũng ít nguy cơ hư hỏng và có độ bền cao hơn, qua đó giảm phát sinh chi phí sửa chữa.
- Tốc độ vắt cao hơn: Do có thiết kế đồng nhất giữa động cơ và lồng giặt nên máy giặt truyền động trực tiếp cho phép lồng giặt có tốc độ quay cao hơn nhiều so với máy giặt truyền động gián tiếp, giúp giảm đáng kể thời gian phơi sấy. Một số máy giặt đời mới sử dụng công nghệ inverter còn có khả năng tự điều chỉnh điện áp giúp tiết kiệm được điện năng.
- Định vị lồng giặt nhanh và chính xác hơn: Bộ cảm biến trên các máy giặt truyền động trực tiếp được gắn trực tiếp vào động cơ nên giúp máy kiểm soát và xác định khối lượng quần áo chính xác hơn.
Giặt và sấy nhanh hơn, hiệu quả hơn
Nhược điểm
- Giá thành cao hơn khoảng 1 -2 triệu so với máy truyền động gián tiếp.
- Chi phí sửa chữa và bảo trì cao: Tìm kiếm linh kiện thay thế khó hơn khiến việc sửa chữa các máy giặt truyền động trực tiếp cũng cao hơn. Ngoài ra, bảng mạch điện tử của máy giặt truyền động trực tiếp phức tạp hơn máy giặt truyền động gián tiếp dẫn tới chi phí sửa chữa cao hơn.
- Dễ làm hư hỏng quần áo do sơ ý: Do có chuyển động quay rất cao nên nếu không chọn chế độ giặt phù hợp, máy giặt truyền động trực tiếp có khả năng sẽ làm hư hỏng quần áo.
Là loại máy giặt ra đời sau với thiết kế cải tiến nên rõ ràng máy giặt truyền động trực tiếp sở hữu những tính năng vượt trội cùng khả năng vận hành ổn định hơn máy giặt truyền động gián tiếp rất nhiều.
Bù lại, bạn sẽ phải bỏ ra số tiền ban đầu cao hơn khá nhiều để sở hữu nó, ngoài ra nếu trong quá trình sử dụng chẳng may gặp sự cố hư hỏng cũng sẽ tốn kém hơn.
- Máy giặt truyền động gián tiếp: Dây curoa có giá khoảng 120 nghìn – 400 nghìn đồng (chưa tính công thay), thời gian thay thế là từ 4 – 5 năm.
- Máy giặt truyền động trực tiếp: Thay trục với chi phí tối đa khoảng 1 triệu đồng (bao gồm công thay), thời gian thay thế từ 7 năm.